Nhiều Chính Sách Mới Kích Hoạt Thị Trường Bất Động Sản Năm 2021
Nhiều chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) được ban hành năm 2020 bắt đầu có hiệu lực, tác động tích cực và dự báo tạo ra những kịch bản lạc quan cho nhà đầu tư trong năm 2021.
Bộ Xây dựng vừa đưa ra đánh giá, hoạt động kinh doanh BĐS trên cả nước đã bắt đầu sôi động trong những tháng cuối năm với nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhờ hàng loạt chính sách mới trực tiếp hỗ trợ thị trường, nhất là các Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các Thông tư, về phát triển các loại hình BĐS…
Đáng chú ý, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14); trong đó, 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 như: Quy định về thẩm quyền báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng của chủ đầu tư; quy định về miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế; quy định về bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt; quy định công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế trước ngày 15/8/2020 có yêu cầu cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014 sửa đổi thì tiếp tục thực hiện cấp giấy phép xây dựng; quy định trường hợp đã được cấp giấy phép xây dựng thì không phải thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Theo các chuyên gia xây dựng, các quy định mới này đang tạo “luồng gió mới”, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương, cũng như người dân trong xây dựng công trình; đồng thời, chủ đầu tư tháo gỡ được những “nút thắt” trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng.
Thực tế, theo thống kê của Bộ Xây dựng và báo cáo thị trường BĐS năm 2020 của trang Batdongsan.com.vn, đến tháng 12/2020, hầu hết các loại hình BĐS đều chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, khiến mức độ quan tâm của nhà đầu tư giảm mạnh. Tuy nhiên, đến quý IV/2020, cả nước có 295 dự án, với 125.449 căn hộ được cấp phép; dự án du lịch nghỉ dưỡng có 49 dự án, với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép. Tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý IV/2020 tăng tới 82% so với quý III/2020, nhất là có 36.884 giao dịch bất động sản thành công…
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, kinh doanh BĐS đặc biệt nhạy cảm với việc thay đổi chính sách của Nhà nước. Các chính sách mới được ban hành nếu hỗ trợ nhà đầu tư sát thực tế sẽ tạo ra ngay các tín hiệu tích cực cho thị trường. Còn theo PGS. TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường BĐS Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh. Các chính sách bổ sung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất condotel, officetel; hạn chế tích tụ ruộng đất; thúc đẩy các dự án chậm triển khai và các chính sách liên quan như nới lỏng tín dụng ngân hàng; giảm thuế, quỹ và các công cụ tài chính; tăng trách nhiệm cho chủ đầu tư… sẽ đảm bảo cho thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2020.
Hai Kịch Bản Bốn Xu Hướng Năm 2021
Tại hội thảo trực tuyến “Thị trường BĐS năm 2021: Dự báo xu hướng và cơ hội đầu tư” mới đây, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam Bùi Văn Doanh cho biết, năm 2021 chắc chắn sẽ có những siêu dự án được đầu tư, trở thành những dự án dẫn dắt thị trường. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế xác định, kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á; GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng khoảng 6% trong năm 2021. Vì vậy, có thể khẳng định, sức chịu đựng và khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế Việt Nam là yếu tố quan trọng để thúc đẩy dòng tiền đổ vào thị trường BĐS năm 2021.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, có hai kịch bản sẽ xảy ra đối với thị trường năm 2021. Kịch bản thứ nhất, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên được đảm bảo (dịch bệnh được kiểm soát), thị trường BĐS sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc nhất định, nhất là loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, có hạ tầng tốt, được khai thác vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh-thông minh. Với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, những nhà đầu tư uy tín và đủ tiềm lực tài chính sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn cung dồi dào và giá tốt.
Kịch bản thứ hai, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên không được đảm bảo (dịch bệnh chưa thể kiểm soát), thị trường BĐS năm 2021 vẫn sẽ giữ được mức như năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường (phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) sẽ gặp nhiều trở ngại. Và nếu không có sự can thiệp của Chính phủ, cũng như sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp, thị trường có thể bị đóng băng.
Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho rằng, năm 2021 sẽ có 4 xu hướng phát triển thị trường BĐS chính, gồm: Chung cư tiếp tục là thị trường được người mua nhà quan tâm nhiều nhất; đất nền ở khu vực phía Bắc có sự tăng trưởng tốt; BĐS công nghiệp tiếp tục là vấn đề được quan tâm hàng đầu và BĐS nghỉ dưỡng đang dần quay trở lại.