TPHCM kêu gọi nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia phát triển siêu dự án Khu đô thị thông minh tại khu Đông
Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM được xem là một giải pháp quan trọng trong tiến trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Từ đó, TPHCM đang ra sức kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực tham gia cùng phát triển với những cơ chế chính sách mới, thuận lợi hơn.
Mới đây, Thành uỷ TPHCM đã tổ chức buổi gặp gỡ lãnh đạo thành phố và cộng đồng kiểu bào Việt Nam ở nước ngoài cùng hàng trăm nhà đầu tư đa quốc gia khác. Cuộc gặp này được diễn ra trong bối cảnh TPHCM đang quyết tâm xây dựng TP trở thành hạt nhân của Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Đặc biệt, khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM được xem là một giải pháp quan trọng trong tiến trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đang được TP huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước triển khai thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM định hướng việc hình thành khu đô thị thông minh nằm ở cửa ngõ thành phố bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, dựa trên nền tảng khu vực này có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi trong hiện tại cũng như tương lai gần.
Cụ thể, quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, 4 trường đại học lớn với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên, sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ở quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt sẽ có cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế. Với quận 9 có khu công nghệ cao thành công nhất ở Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại khu vực này đã và đang hình thành như tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cảng Cát Lái…
Do đó, khu vực phía Đông TPHCM cần nâng cấp các nội dung quy hoạch để đạt được mục tiêu hình thành một đô thị thông minh và đô thị phát triển bền vững về môi trường và bổ trợ bằng các khu vực tiên phong đổi mới sáng tạo.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khi triển khai chiến lược này, TPHCM có 5 điểm nổi bật. Thứ nhất, là thành phố lớn nhất nước hiện có khoảng 10 triệu dân, mỗi năm có “thành phố nhỏ” được sinh ra. nếu không phát triển TPHCM theo hướng đô thị thông minh sẽ không thể giải quyết được những vấn đề đô thị một cách hiệu quả.
Thứ hai, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia, trong khi diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước và dân số cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu TPHCM gặp “vấn đề” về kinh tế cả nước bị ảnh hưởng theo.
Thứ ba, TPHCM có lực lượng lao động chất lượng cao, tỷ lệ người lao động có bằng đại học cao gấp 2,3 lần so với trung bình cả nước.
Thứ tư, năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,7 lần so với toàn quốc.
Cuối cùng, TPHCM có các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh, chiếm 82% đóng góp cho nền kinh tế.
Từ những ưu điểm, thế mạnh trên, năm 2017 đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đã được TP.HCM triển khai, với 4 mục tiêu chính, là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân thành phố và người dân nhận được chất lượng tốt từ chính quyền.
Sau khi thực hiện đề án này được 1 năm, TPHCM có sự điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng khu đô thị thông minh cần có hạt nhân bên trong TP.HCM và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại TPHCM.
Điều này nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ…
“Đô thị thông minh có 4 chủ thể gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân và tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh. Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là môi trường thực; không gian mạng, internet, viễn thông; con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình”, Bí thư Nhân phát biểu.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo để triển khai kế hoạch, TPHCM cần làm rõ 8 nội dung: Đầu vào của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng; Đầu ra của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng; Thiết kế các cơ cấu chức năng của hai trung tâm; Các thiết bị đầu tư gồm phần cứng và phần mềm cho hai trung tâm; Tình hình cung cấp phần cứng phần mềm cho hai trung tâm; Kinh nghiệm vận hàng, dự báo của các trung tâm ở các quốc gia khác; Lựa chọn doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho hai hệ thống; Làm rõ các tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, hệ thống cho hai trung tâm. |
Trong chiến lược phát triển đô thị của TPHCM, TSKH-Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào Mỹ) chỉ ra một số vấn đề cần giải quyết như làm sao tổ chức thành đô thị thông minh, lấy tiền ở đâu để làm và cách thu hút được người dân đến ở.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM đang đi đúng hướng trong việc xây dựng đô thị thông minh, nhưng vấn đề là cần có sự kết nối – kết nối vùng, kết nối các dự án, kết nối hạ tầng – với nhau, để tạo ra tiện ích lớn nhất, cùng khai thác tốt tiềm năng, cùng phát triển.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phân tích, khu vực phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức), TPHCM cần tạo 3 động lực chính cho đô thị thông minh: khu đô thị mới Thủ Thiêm (chức năng tài chính, khu đô thị mới); khu Đại học Quốc gia TPHCM, khu công nghệ cao (nghiên cứu, công nghệ cao); và khu vực cảng Cát Lái (logistics, xuất nhập khẩu). Đây là 3 động lực, 3 “chân vạc”, 3 cộng đồng có bản sắc khác nhau, và trong quy hoạch, cần được liên kết với nhau và kết nối với khu dân cư hiện hữu, không nên tách rời.
“Cả 3 khu này đều là đô thị thông minh, có mức độ ứng dụng khác nhau, kết hợp cùng đem lại hiệu quả lớn nhất. Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng có yêu cầu khác nhau về hạ tầng, nếu TPHCM đáp ứng được thì sẽ thu hút được người về ở. Khi có người đến ở, thì câu chuyện về nguồn tiền để xây dựng đô thị thông minh là không khó”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) góp ý về xây dựng và phát triển thương hiệu đô thị sáng tạo. Ông Đăng đề nghị TPHCM phải “thoát” khỏi hình ảnh chạy theo các thành phố lớn khác như Bangkok, Singapore, mà tạo giá trị riêng cho mình, bằng 3 giá trị cốt lõi theo 3 chữ T: thân thiện, tử tế và tích cực. Người TPHCM thân thiện đón nhận, nở nhiều nụ cười hơn với người xung quanh; luôn tử tế, giúp đỡ, hỗ trợ nhau, tương thân tương ái; suy nghĩ, sống, chia sẻ tích cực.
“Chúng ta nên chủ động đề xuất, đưa ra giải pháp thay vì chê nhau, chỉ trích nhau… Đó là tư duy tích cực. Trong xây dựng đô thị sáng tạo, TPHCM chưa có sự kết nối với các đô thị sáng tạo trên thế giới, thay vì chùn bước, tại sao TPHCM không tiên phong tạo ra những kết nối với các TP sáng tạo trên thế giới”, ông Đăng nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, ngay từ khi chiến lược phát triển khu đô thị thông minh đang ở những bước đầu hoạch định, tập đoàn địa ốc hàng đầu Singapore là Kepple Land đã tuyên bố sẽ “rót” hơn 500 triệu USD để phát triển một khu phức hợp thông minh tại quận 2.
Theo đó, tập đoàn này cũng đang có kế hoạch đầu tư dự án Saigon Sport City tại quận 2, nhằm xây dựng một đô thị thông minh trên cơ sở ký kết hợp tác với Microsoft và nhiều đối tác liên quan để kết nối khoa học công nghệ, ứng dụng quản trị thông minh vào an ninh, công nghệ bán lẻ, các dịch vụ phục vụ đời sống người dân…
Giữa tháng 3/2018, Keppel Land đã công bố chính thức sở hữu 100% tại dự án Saigon Sports City sau khi thâu tóm 10% còn lại từ JenCity Limited thông qua công ty con Oil Asia Pte. Limited. Giá trị giao dịch vào khoảng 11,4 triệu USD. Tổng chi phí phát triển dự án Saigon Sports City khoảng 500 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án có tổng diện tích sàn xây dựng lên đến 90.000 m2 với sản phẩm là trung tâm thương mại và 1.220 căn hộ, dự kiến được giới thiệu ra thị trường nửa cuối năm nay.
Mới đây nhất, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp Singapore, Cố vấn Kinh tế cấp cao của Bộ Công Thương Singapore và đoàn gồm 30 doanh nghiệp hàng đầu nước này đã có cuộc làm việc với UBND TPHCM. Qua đó, các nhà đầu tư đã đi thăm nhiều khu vực thuộc khu Đông TPHCM, tại đây tiết lộ sẽ tham gia thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể và xây dựng trung tâm đô thị sáng tạo của TPHCM.
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng vừa đến TPHCM tham quan, làm việc với chính quyền địa phương nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu đô thị thông minh này. Theo đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, khu Đông TPHCM, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư khá đồng bộ, trong tương lai sẽ tạo nhiều thuận lợi kết nối với sân bay Long Thành. Đặc biệt, với quỹ đất rộng lớn, lại là cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nên tiềm năng tăng trưởng còn khá lớn.
Được biết, Chính phủ Nhật Bản và hơn 20 công ty đang hợp tác với Việt Nam để xây dựng một đô thị thông minh ở Hà Nội từ nay đến năm 2023, với các xe buýt tự lái và một loạt các công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Theo đó, Bộ Kinh tế – Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng nhiều công ty tên tuổi như tập đoàn Sumitomo, hãng xe Mitsubishi và nhà điều hành tàu điện ngầm Tokyo Metro sẽ tham gia vào dự án xây dựng khu đô thị công nghệ cao rộng 310 ha ở khu vực Nhật Tân – Nội Bài, phía bắc của Hà Nội.
Theo lãnh đạo của các công ty Nhật Bản, ước tính giá trị dự án lên đến gần 4 nghìn tỷ yên, tương đương 37,3 tỷ USD. Đây là dự án lớn nhất do Nhật Bản đứng đầu ở nước ngoài. Nguồn vốn bao gồm tiền do chính các công ty kêu gọi, vốn ODA từ Nhật Bản và hỗ trợ của chính phủ. Từ những kinh nghiệm này, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng muốn áp dụng vào việc hoạch định và phát triển khu đô thị thông minh tại TPHCM nếu được lựa chọn trong thời gian tới.
Theo Nhịp sống kinh tế